Xin được trân trọng giới thiệu với mọi người cuốn sách “Pháp luật về doanh nghiệp – Các vấn đề pháp lý cơ bản.” Đây là ấn bản sửa đổi lần đầu của cuốn sách được tôi xuất bản năm 2016.
Được viết trong 4 năm qua, cuốn sách cập nhật các thay đổi luật từ năm 2016, đặc biệt là Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Chứng khoán năm 2019, Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và nhiều văn bản pháp luật quan trọng khác. Do vậy, nội dung cuốn sách gần như được cập nhật lại mới hoàn toàn để phân tích khung pháp lý mới đang áp dụng tại thời điểm hiện nay.
Ngoài việc phân tích các văn bản pháp luật, cuốn sách cũng phân tích các án lệ và nhiều bản án, quyết định và phán quyết của tòa án và trọng tài mà tôi đã sưu tầm trong thời gian qua. Đặc biệt cuốn sách phân tích rất nhiều bản án phúc thẩm và giám đốc thẩm của các tòa án tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh và Tòa án Nhân dân Tối cao. Do vậy, nhiều vấn đề pháp lý cơ bản trình bày trong cuốn sách được phân tích từ góc độ thực tiễn xét xử tại tòa án.
Phần lớn giao dịch doanh nghiệp phức tạp trên thực tế không chỉ được xem xét dưới góc độ pháp lý mà còn được xem xét từ góc độ thương mại, kế toán, thuế và quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước. Trong cuốn sách này, tôi đã phân tích các quy định của pháp luật về doanh nghiệp từ các góc độ này để giúp các luật sư và người quản lý doanh nghiệp có thể áp dụng trên thực tế.
Cuốn sách bao gồm nhiều sơ đồ và bảng tóm tắt để giúp người đọc dễ hiểu hơn các vấn đề pháp lý và cơ cấu giao dịch được trình bày trong cuốn sách. Ngoài ra, để giúp người đọc tiện tra cứu, cuốn sách có (i) bảng tra cứu từ khóa, (ii) bảng tra cứu án lệ, bản án và quyết định và (iii) danh sách các tài liệu trích dẫn.
Trải dài trong hơn 1000 trang, cuốn sách phân tích các vấn đề pháp lý cơ bản liên quan đến việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp. Kết cấu của cuốn sách gồm hai mươi chương và chia làm năm phần, tập trung vào hai hình thức doanh nghiệp thông dụng nhất là công ty trách nhiệm hữu hạn (CTTNHH) và công ty cổ phần (CTCP).
• Phần I (từ Chương 1 đến Chương 9) phân tích các vấn đề pháp lý chung và áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp.
• Phần II (từ Chương 10 đến Chương 12) tập trung vào các vấn đề pháp lý liên quan đến tư cách và quyền của thành viên CTNHH và cổ đông CTCP.
• Phần III (từ Chương 13 đến Chương 15) trình bày các vấn đề pháp lý về quản trị CTTNHH và CTCP.
• Phần IV (Chương 16 và Chương 17) trình bày các vấn đề pháp lý liên quan đến huy động vốn dưới hình thức phát hành chứng khoán và biện pháp bảo đảm.
• Phần V (từ Chương 18 đến Chương 20) trình bày các vấn đề pháp lý áp dụng riêng cho công ty đại chúng.