Các mục tiêu trọng tâm mà cuốn sách này hướng tới là:
- Chia sẻ những kỹ năng cơ bản để soạn thảo những văn bản có tính chuyên nghiệp và hiệu quả cho người hành nghề luật ở những vị trí công việc khác nhau;
- Giúp những người mới hành nghề luật hình dung được các loại việc chính của hành nghề luật và cách thức thực hiện chúng, mang lại sự tự tin cho những người hành nghề ở giai đoạn khởi đầu nghề nghiệp, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian cho những người hành nghề luật lâu năm trong việc đào tạo, bồi dưỡng người mới bước chân vào nghề;
- Giúp phát triển kỹ năng tư duy và kỹ năng giao tiếp của người hành nghề luật thông qua công việc soạn thảo văn bản.
Ngoài ra, thông qua mục tiêu trên, cuốn sách cũng giúp những người làm công việc văn phòng nói chung nắm được những kỹ năng cần thiết về soạn thảo văn bản.
Đối với người làm văn phòng
Bạn sẽ tìm thấy ở cuốn sách này các kỹ năng soạn thảo văn bản cơ bản cũng như cách thức soạn thảo những văn bản thường xuyên sử dụng trong hoạt động văn phòng như thư từ giao dịch trên bản giấy, email, báo cáo, biên bản và các tài liệu nội bộ khác.
Đối với người làm kinh doanh
Cuốn sách này sẽ mang lại cho bạn những kiến thức quan trọng để hỗ trợ bạn khi làm việc với đối tác, đặt biệt là những kiến thức về các điều khoản cụ thể trong các hợp đồng tiếng Anh và tiếng Việt, các kiến thức về soạn thảo thư từ giao dịch và các văn bản làm việc khác như biên bản, báo cáo.
Đối với luật sư
Như trên đã đề cập, ngoài những kỹ năng chung về viết văn bản, các luật sư còn được thông tin về hệ thống các văn bản nghiệp vụ mà luật sư cần soạn thảo trong hoạt động nghề nghiệp của mình và cách soạn thảo chúng. Các văn bản này không có mẫu nhưng thực tiễn hành nghề đã làm hình thành nên những chuẩn mực chung về soạn văn bản cũng như những kỹ năng cần thiết mà luật sư cần biết để đảm bảo tính chuyên nghiệp cũng như hiệu quả công việc.
Đối với công chứng viên, thừa phát lại
Khác với luật sư, những người hành nghề luật khác như công chứng viên, thừa phát lại… được nhà nước trao một số thẩm quyền về mặt tư pháp. Vì vậy, nhà nước cũng đặt ra biểu mẫu dành cho những văn bản chuyên môn mà người hành nghề trong lĩnh vực này soạn thảo để thực thi thẩm quyền được trao. Chẳng hạn mẫu lời chứng của công chứng viên, mẫu vi bằng của thừa phát lại… Cuốn sách này bổ sung các kỹ năng viết mà những người hành nghề luật khác trong khu vực tư cần có để có thể áp dụng hiệu quả các biểu mẫu đã có cũng như soạn thảo các loại văn bản khác cần thiết cho triển khai công việc.
Đối với những người làm nghề luật khác
Cuốn sách này chưa có tham vọng cung cấp những kỹ năng đặc thù về viết văn bản cho những người hành nghề luật khác trong khu vực tư cũng như chưa có hướng dẫn cho những người làm nghề luật trong khu vực công.[3] Tuy nhiên, ngay cả khi không tìm thấy những hướng dẫn riêng cho mình, bạn vẫn sẽ cần những kỹ năng chung về soạn thảo văn bản được cung cấp ở những bài đầu của cuốn sách cũng như kỹ năng soạn thảo các văn bản phục vụ công việc (thư từ giao dịch, email, biên bản, báo cáo). Bên cạnh đó, kỹ năng soạn thảo các văn bản chuyên biệt của luật sư, công chứng viên, thừa phát lại mang đến những kiến thức về cách thức áp dụng pháp luật cũng như tư duy pháp lý. Đây là những kiến thức hết sức quan trọng cho người làm nghề luật ở bất kỳ vị trí nào.
Đối với những người học luật và chưa bước chân vào hoạt động nghề nghiệp
Cuốn sách này thực sự dành cho bạn. Không chỉ giúp chuẩn bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp tương lai, sách còn giúp bạn hình dung được về hệ thống các nghề luật để từ đó có thể đưa ra cho bản thân sự lựa chọn phù hợp. Nếu có kế hoạch du học ở các nước nói tiếng Anh, việc làm quen với viết văn bản tiếng Anh thông qua cuốn sách sẽ là một sự chuẩn bị vô cùng hữu ích.
Cuốn sách, ngoài phần Mở đầu và Dẫn nhập, được chia thành hai phần chính là A. Kỹ năng viết văn bản tiếng Việt và B. Kỹ năng viết văn bản tiếng Anh. Sự phân chia này không có nghĩa là bạn chỉ cần đọc Phần B khi cần viết tiếng Anh. Có nhiều điểm chung trong soạn thảo văn bản của người hành nghề luật, dù là tiếng Anh hay tiếng Việt. Vì vậy, các thông tin trong phần Kỹ năng viết văn bản tiếng Việt nên được sử dụng như là những thông tin nền cho việc soạn thảo văn bản. Đó cũng là lý do mà chúng tôi dành dung lượng cho phần kỹ năng viết văn bản tiếng Việt nhiều hơn so với phần Kỹ năng viết văn bản tiếng Anh. Phần Kỹ năng viết văn bản tiếng Anh chủ yếu cung cấp kỹ năng để giúp bạn vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, từ đó tiếp cận dễ dàng với các văn bản tiếng Anh khác nhau mà người hành nghề luật (chủ yếu là luật sư) thường soạn khi làm việc. Thông tin trong phần Kỹ năng viết văn bản tiếng Anh, ngược lại, cũng sẽ là nguồn tham khảo tốt cho việc soạn thảo văn bản tiếng Việt.
Các nội dung của cuốn sách được cấu trúc như sau:
Phần A. KỸ NĂNG VIẾT VĂN BẢN TIẾNG VIỆT, bao gồm:
- CHƯƠNG A.I: Hướng dẫn về thể thức văn bản
- CHƯƠNG A.II: Sử dụng ngôn ngữ trong văn bản
- CHƯƠNG A.III: Các bước soạn thảo văn bản
- CHƯƠNG A.IV: Kỹ năng viết bản phân tích pháp lý
- CHƯƠNG A.V: Kỹ năng viết bản tranh luận
- CHƯƠNG A.VI: Kỹ năng soạn thảo hợp đồng
- CHƯƠNG A.VII: Kỹ năng soạn thảo văn bản pháp lý nội bộ
- CHƯƠNG A.VIII: Kỹ năng soạn thảo thư từ giao dịch, email, biên bản cuộc họp, báo cáo
- CHƯƠNG A.IX: Kỹ năng soạn thảo vi bằng, văn bản công chứng
Phần B. KỸ NĂNG VIẾT VĂN BẢN TIẾNG ANH, bao gồm:
- CHƯƠNG B.I: Viết văn bản tiếng Anh: Khó, dễ và cách khắc phục
- CHƯƠNG B.II: Viết bản phân tích pháp lý bằng tiếng Anh
- CHƯƠNG B.III: Viết bản tranh luận tiếng Anh
- CHƯƠNG B.IV: Viết hợp đồng tiếng Anh
- CHƯƠNG B.V: Viết thư từ giao dịch tiếng Anh
Ngoài ra, Phụ lục cuốn sách cung cấp bản dịch tiếng Việt một số thư giao dịch tiếng Anh, bản phân tích pháp lý tiếng Anh, bản tranh luận tiếng Anh và một bảng mục các từ viết tắt thường sử dụng trong email tiếng Anh.
Mong rằng bạn sẽ thấy cuốn sách này hữu ích.
Nhà Sách Tài Chính
- Cung cấp số lượng lớn sách với đầy đủ thông tin hóa đơn VAT cho các đơn vị doanh nghiệp cá nhân và nhà nước!
- Cam kết sản phẩm đúng mô tả đúng chất lượng
- Chiết khấu cao